20.6 C
Turan
HomeKhoa học Công nghệHội thảo khoa học "Cải thiện khả năng chống chịu của kết...

Hội thảo khoa học “Cải thiện khả năng chống chịu của kết cấu hạ tầng trong điều kiện gió bão ở Việt Nam”

Ngày 12 tháng 05 năm 2018, Khoa Xây dựng Cầu đường, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Việt Đức và trường Đại học Nottingham (Anh) tổ chức Hội thảo khoa học “Cải thiện khả năng chống chịu của kết cấu hạ tầng trong điều kiện gió bão ở Việt Nam”. Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn dành cho các nhà khoa học Việt Nam và Vương quốc Anh, các kỹ sư, các nhà quản lý cùng nhau trao đổi và tìm cách giải quyết thách thức. Đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng thuộc dự án “Cải thiện khả năng chống chịu của kết cấu hạ tầng trong điều kiện gió bão ở Việt Nam” do Hoàng Gia Anh và Quỹ thách thức toàn cầu tài trợ.

TS.Joerg Franke – Điều phối viên Chương trình Kỹ thuật Cơ khí (ME) phát biểu khai mạc

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có sự hiện diện của TS.Joerg Franke – Điều phối viên Chương trình Kỹ thuật Cơ khí (ME), GS John Owen và GS. David Hargreaves – Khoa Kỹ thuật Xây dựng, trường Đại học Nottingham (Anh), PGS. Đào Đình Nhân – Khoa Kỹ thuật Xây dựng, trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, TS. Vũ Thành Trung – Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Bộ Khoa học & Công nghệ, TS. Nguyễn Bá Thủy – Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, TS. Nguyễn Bình Minh- Bộ Tài nguyên & Môi trường; Về phía trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng có sự tham dự của PGS.TS Lê Thị Kim Oanh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng với hơn 30 thầy cô là cán bộ giảng viên và sinh viên của Khoa Xây dựng Cầu Đường.

PGS.TS Lê Thị Kim Oanh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu

Trong điều kiện thời tiết ở Việt Nam thường xuyên chịu ảnh hưởng gió bão, dẫn đến những hư hỏng, sụp đổ những kết cấu hạ tầng như: nhà cửa, hệ thống truyền tải điện, tháp truyền hình… gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng để sửa chữa hoặc thay thế, làm ảnh hưởng đến hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp điện, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng con người. Tại Hội thảo, các chuyên gia và các nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham gia trình bày nhiều chủ đề tham luận khác nhau về mô phỏng, phân tích gió bão, tính toán vận tốc bão, tác động của gió lên các công trình xây dựng, điện và năng lượng gió, khí động lực học cũng như các mô hình xác xuất và những rủi ro về thiên tai, khả năng chống chịu thiên tai tại các tỉnh thành của khu vực miền Trung. Tiếp đó, các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng nhau thảo luận, trao đổi và tìm ra các giải pháp để có thể giảm thiểu tối đa những thiệt hại đến các công trình trong điều kiện thời tiết gió bão của Việt Nam và đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung.

Các diễn giả trình bày các chủ đề tham luận nghiên cứu

Hội thảo là một hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi giúp cho các nhà khoa học cùng nhau chia sẻ các nghiên cứu khoa học của mình và cùng nhau thảo luận tìm ra các giải pháp để cải thiện khả năng phục hồi của kết cấu hạ tầng là yếu tố quan trọng của việc giảm thiệt hại do gió bão gây ra. Bên cạnh đó, việc tổ chức thành công Hội thảo lần này đã đánh dấu cột mốc quan trọng của sự hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong lĩnh vực này, thúc đẩy hợp tác, hướng tới sự phát triển bền vững, tạo ra nhiều thay đổi hơn trong tương lai.

Các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận để tìm ra các giải pháp cải thiện khả năng phục hồi của kết cấu hạ tầng trong điều kiện gió bão ở Việt Nam

Theo DUT

latest articles

explore more