Trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng: công trình xây dựng, công trình giao thông, công trình thủy, công trình ngầm, hầu hết các công trình đều có phần nền móng đặt trên nền đất. Việc tính toán, thiết kế, giải pháp nền móng nói riêng và Địa kỹ thuật nói chung có ý nghĩa quan trọng đến độ ổn định, độ bền, tiến độ thi công, giá thành công trình. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật nói chung, sự phát triển trong lĩnh vực Địa kỹ thuật cũng song hành, các kỹ sư luôn tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong nước và trên thế giới. Các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư kinh phí để mua sắm thiết bị ứng dụng vào các dự án xây dựng thực tiễn.
Trên tinh thần cầu nối giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng phối hợp cùng với Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam (VSSMGE) tổ chức Hội thảo “Địa kỹ thuật – Giải pháp và thực tiễn ứng dụng trong Xây dựng công trình”. Hội thảo được tổ chức lúc 7h30 ngày 10 tháng 6 năm 2017 tại phòng Hội thảo khu E – Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng.
Có hơn 100 đại biểu từ các Sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tư vấn thiết kế, thi công các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế và Đà nẵng, các chuyên gia, kỹ sư từ các trường Đại học, các học viên cao học và sinh viên.
PGS.TS. Lê Cung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng phát biểu khai mạc
Hội thảo với hơn 100 đại biểu tham dự
Tặng hoa tri ân các nhà tài trợ
Các báo cáo tại Hội thảo là các kinh nghiệm, ứng dụng các giải pháp mới, hiện đại trong nước và trên thế giới về thiết kế, thi công, thí nghiệm về các chủ đề thực tiễn trong Địa kỹ thuật.
1. Bàn về việc xác định vác định sức chịu tải cọc khoan nhồi cho nhà cao tầng – TS. Nguyễn Anh Dũng (PCT Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình việt nam) đã có những chia sẻ về những tồn tại tỏng tính toán sức chịu tải của cọc khoan nhồi, những vấn đề chưa thống nhất trong việc lựa chọn hệ số an toàn sức chịu tải, vấn đề thí nghiệm nén tĩnh và đo ứng suất xác định ma sát thành bên của cọc cũng được bàn luận và chia sẻ, thảo luận sôi nổi.
TS. Nguyễn Anh Dũng – PCT VSSMGE phát biểu và đọc bài giảng
2. Đề tài Nghiên cứu phát triển sản phẩm Cọc cừ vuông – KS. Trần Huy Hùng (Công ty cổ phần FECON) đã báo cáo kết quả nghiên cứu nhiều năm của công ty về sản phẩm cọc cừ vuông dự ứng lực, ứng dụng trong tường cừ tầng hầm, hầm đào hở, gia cường ổn định mái dốc. Công nghệ thi công và sản xuất cọc khá hoàn chỉnh và triển vọng ứng dụng lớn cho nhiều dự án với chất lượng, tiến độ và giảm giá thành.
KS.Trần Huy Hùng – Công ty cổ phần FECON
3. ThS. Phạm Thanh Năm và KS. Phạm Văn Thắng (Công ty Hưng Việt) báo cáo về đề tài: Giải pháp thiết kế thi công kết cấu tường chắn có cốt sử dụng vải/lưới địa kỹ thuật và thiết kế kè mềm chống sạt lở bờ biển. Báo cáo với những thông số thiết kế đầy đủ cho tường chắn có cốt và kinh nghiệm thiết kế, thi công cho 02 dự án thực tế tại Bắc Ninh và Hạ Long. Đồng thời là giải pháp kè mềm áp dụng chống sạt lở bờ biển Cửa Đại – thành phố Hội an – Quảng Nam.
KS. Phạm Văn Thắng – Công ty Hưng Việt
4. Báo cáo Giải pháp vật liệu nhẹ xử lý giảm lún nền đường đầu cầu – KS. Mai Triệu Quang (TGĐ Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng ECC) đã trình bày những thông số kỹ thuật của vật liệu nhẹ Geofoam mà công ty đã nghiên cứu, thí nghiệm, tổng kết những sự cố sụt lún nền đường đầu cầu một số dự án và ứng dụng của Công ty cho dự án đường đầu cầu vượt Ngã Ba Huế – thành phố Đà Nẵng. Giải pháp đem lại hiệu quả cao về kỹ thuật, tiến độ và giá thành.
KS. Mai Triệu Quang – TGĐ Công ty ECC
5. Đề tài: Shaft-Grouted Bore Pile and Vibro Deep Compaction’s adaption in Foundation Work được KS. Trần Huy Hùng (Công ty cổ phần FECON) đã giới thiệu giải pháp phun vữa tăng sức chịu tải cho cọc nhồi và ứng dụng thực tiễn làm giảm giá thành xây dựng cọc từ 10 đến 15%, phương pháp xử lý nền đất yếu bằng phương pháp đầm cơ học cũng được nghiên cứu bài bản và khoa học để triển khai ứng dụng.
ThS. Dương Thái Phan – Công ty cổ phần FECON
6. Báo cáo: Ứng dụng phương pháp thử tải O-cell cho cọc nhồi đường kính lớn – TS. Đỗ Hữu Đạo (PGĐ Trung tâm nghiên cứu dụng và tư vấn kỹ thuật nền móng công trình), báo cáo đã phân tích một số ưu và nhược điểm của phương pháp thí nghiệm PDA và nén tĩnh, trong đó phương pháp thí nghiệm nén tĩnh sử dụng dàn chất tải khó khăn đối với các cầu, các công trình cao tầng trong trung tâm thành phố, cọc chịu tải trọng lớn. Phương pháp thí nghiệm O-cell là phương pháp rất khả thi cho những hạn chế của thí nghiệm nén tĩnh thông thường. Phương pháp đã được nhóm nghiên cứu ứng dụng thành công cho 03 dự án trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Ngãi.
TS. Đỗ Hữu Đạo – PGĐ Trung tâm Nền Móng – Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng
7. KS. Phạm Quyết Thắng (TGĐ Công ty TNHH thương mại và xây dựng Quốc Thắng) với báo cáo: Kinh nghiệm trong xử lý chống thấm cho hầm giao thông và hầm nhà cao tầng. Báo cáo đã tổng hợp nhiều sự cố công trình tầng hầm dân dụng và hầm giao thông trong nước và trên thế giới. Tác giả trình bày những giải pháp sáng tạo trong chống thấm, giảm sự cố cho tầng hầm của nhiều công trình thực tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
KS. Phạm Quyết Thắng – TGD Công ty Quốc Thắng
8. Ứng dụng công nghệ cọc khoan thả cho điều kiện địa chất thành phố Đà Nẵng và duyên hải Miền Trung – KS. Dương Quang Minh (Phó TGĐ Công ty cổ phần Xây dựng nền móng Phú Sỹ). Báo cáo chỉ ra những nhược điểm của phương pháp khoan thả thông thường và khắc phục nhược điểm bằng công nghệ khoan thả mới. Giải pháp đã được ứng dụng cho công trình Trung tâm hội nghị tỉnh Bình định và Tòa nhà vận hành thủy điện Sông Bung (cọc D800, L=42m, sức chịu tải nén tĩnh trên 900 tấn/cọc).
KS. Dương Quang Minh – Phó TGĐ Công ty CP Nền móng Phú Sỹ
TS. Nguyễn Hồng Hải – Trưởng Khoa XD Cầu Đường phát biểu bế mạc
Các đại biểu chụp hình lưu niệm
Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp lúc 12h00 ngày 10 tháng 6 năm 2017.
Theo BCN Khoa