24 C
Turan
HomeThông báo giáo vụChính thức khởi động Dự án EMM ASIA 2014: Liên minh châu...

Chính thức khởi động Dự án EMM ASIA 2014: Liên minh châu Âu dành 32 suất học bổng cho Việt Nam

Sau gần 1 tuần làm việc (29/9 đến ngày 4/10/2013), phiên họp chính thức khởi động Dự án EMM ASIA 2014 với sự tham dự của 34 đại biểu, đại diện cho lãnh đạo của 17 trường Đại học (ĐH) đến từ 13 quốc gia đã hoàn tất chương trình nghị sự quan trọng của mình. EMM ASIA 2014 là dự án do ĐH Nice – Sophia Antipolis và ĐH Đà Nẵng đồng chủ trì, cùng với 15 trường ĐH khác tham gia dự án, phối hợp đề xuất các nội dung hoạt động.


Phiên họp khởi động EMM ASIA 2014 vừa kết thúc mỹ mãn tại TP Đà Nẵng – Việt Nam

“Theo qui định thì EMM ASIA là Dự án hợp tác giữa Nhóm các trường ĐH thuộc Cộng đồng Châu Âu và Nhóm các trường thuộc các nước châu Á nên sẽ có 2 Coordinator (Điều phối). ĐH Nice – Sophia Antipolis và ĐH Đà Nẵng chủ động đứng ra đề xuất Dự án và kêu gọi các trường khác tham gia, do vậy cùng với ĐH Nice – Sophia Antipolis, ĐH Đà Nẵng giữ vai trò chủ trì EMM ASIA 2014″ – PGS.TS Võ Trung Hùng – Trưởng Ban Khoa học – Công nghệ & Môi trường, giải thích.

17 trường ĐH thuộc 13 quốc gia chính thức tham gia Dự án:

I. Các nước châu Âu:
1. Université de Nice – Sophia Antipolis (Cộng hòa Pháp).
2. Brandenburgische Technische Universität Cottbus (Cộng hòa Liên Bang Đức)
3. Universidade Evora (Bồ Đào Nha)
4. Lucian Blaga University Sibiu (Ru-ma-ni)
5. Uniwersytet Warszawski (Ba Lan)
6. Seconda Università degli Studi di Napoli (Ý)
7. Technische Universiteit Delft (Hà Lan)

II. Các nước Đông Nam Á:
8. Đại học Đà Nẵng (Việt Nam)
9. Đại học Qui Nhơn (Việt Nam)
10. Đại học Thăng Long (Việt Nam)
11. Ateneo de Manila University (Philippines)
12. Royal University of Phnom Penh (Campuchia)
13. Svay Rieng University (Campuchia)
14. National University of Laos (Lào)
15. CITI Institute (Mông Cổ)
16. Yangon Technological University (Miến Điện)
17. Prince of Songkla University, pattani Campus (Thái Lan)

Thông qua trao đổi nguồn lực chất xám, thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa

European Commission Erasmus Mundus cũng đã đồng ý cấp kinh phí cho EMM ASIA 2014 và trở thành 1 trong số 57 dự án được European Commission Erasmus Mundus lựa chọn để cấp kinh phí trong số 192 dự án được đề xuất trong năm 2013.

Erasmus Mundus chính là chương trình hợp tác hỗ trợ sinh viên (SV) toàn cầu tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến và góp phần phát triển chất lượng giáo dục châu Âu cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Dự án EMM ASIA 2014 sẽ được tài trợ 3.049.575 Euros (Ba triệu bốn chín ngàn năm trăm bảy mươi lăm Euros) để cấp 176 suất học bổng (HB) toàn phần hệ Thạc sĩ và Tiến sĩ của Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, có 44 HB dành cho việc trao đổi SV bậc ĐH, 49 HB để học Cao học tại châu Âu, 30 HB làm luận án Tiến sĩ, 20 HB để nghiên cứu sau Tiến sĩ – Postdoc và 33 HB để trao đổi Cán bộ (CB) Nghiên cứu/Giảng viên (GV) giữa các trường ĐH trong nhóm các trường tham gia dự án.
HB này được kéo dài suốt từ đầu năm 2014 đến hết năm 2017.

Và trong tổng suất HB nêu trên (176) cho 17 trường ĐH tham gia Dự án, riêng Việt Nam được 32 suất HB (9 suất trao đổi SV ĐH, 8 suất học Thạc sĩ, 7 suất làm Tiến sĩ, 3 suất sau Tiến sĩ – Postdoc và 5 suất trao đổi CB nghiên cứu).

Cơ hội nâng chất lượng nguồn lực tri thức cho các quốc gia đang phát triển

Theo PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, trước đây, HB Erasmus Mundus chỉ dành cho SV trong khối EU, thì nay những nước bên ngoài, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển đều có cơ hội nhận HB. Với Erasmus Mundus, SV có thể học tập 1 học kỳ hoặc cả khóa học tại một đất nước châu Âu đã đăng ký từ trước. Ngoài ra, Erasmus Mundus còn có mục tiêu giúp các SV xuất sắc theo học khóa Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ Erasmus Mundus theo chương trình hợp tác tại 2 hay nhiều hơn 2 trường ĐH ở châu Âu (trong tổng số khoảng 150 khóa học). Do vậy, chuyện học năm học này ở nước này, nhưng sẽ bảo vệ tốt nghiệp ở một nước khác cũng đã trở thành đặc điểm của các SV – Nghiên cứu sinh nhận HB Erasmus Mundus.

Hội đồng châu Âu (EC) là cơ quan chịu trách nhiệm cho việc vận hành chương trình này. Ủy ban này chuyên quản lý tài chính và lập kế hoạch, đưa chỉ tiêu cũng như những tiêu chuẩn cho người nhận HB.


Một Phiên làm việc chung của Hội nghị EMM ASIA 2014 vừa diễn ra tại TP Đà Nẵng – Việt Nam

HB Erasmus Mundus gồm 2 Chương trình chính:
– Erasmus Mundus Joint Programmes: tham gia một khóa học thạc sĩ tại hai hoặc nhiều trường ĐH khác nhau.
– Erasmus Mundus Partnerships: Học tại các trường đối tác ở châu Âu với một loạt ngành học, cấp học khác nhau.

Thời hạn hiệu lực của HB do vậy, kéo dài theo từng khóa học, trung bình từ 3 tháng đến 3 năm. Mỗi cá nhân có thể sẽ nhận được HB có giá trị khác nhau, phụ thuộc vào loại khóa học đã đăng ký, thời gian học (ba tháng đến ba năm). Đặc biệt, HB cho SV ngoài châu Âu sẽ cao hơn mức dành SV quốc tịch châu Âu.
Giá trị HB Erasmus Mundus là HB toàn phần bao gồm toàn bộ học phí và phí sinh hoạt, bảo hiểm, chi phí đi lại. Giá trị HB có thể lên tới 24.000 euro/năm cho khóa học Thạc sĩ và từ 60.000 đến 130.000 euro cho 3 năm Tiến sĩ. Ngoài ra, SV – Nghiên cứu sinh được Erasmus Mundus quyết định tặng HB – còn nhận được một số ưu đãi từ phía các trường đối tác của Erasmus.


PGS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị

“Với HB Erasmus Mundus, người học – người nghiên cứu, thực sự đã được hỗ trợ tối đa để thoải mái lên đường du học mà không phải quá lo lắng về vấn đề tài chính – PGS.TS Trần Văn Nam phân tích. Và từ những năm 2009 – 2013, đã có khoảng 53.000 suất HB Thạc sĩ và 440 suất học bổng Tiến sĩ được trao tặng cho SV đến từ các nước đang phát triển, với tổng mức hỗ trợ tài chính hơn 950 triệu euro. Riêng Việt Nam chúng ta, kể từ khi Erasmus Mundus được thành lập và đi vào hoạt động, đã có hơn 300 SV – Nghiên cứu sinh được tặng học bổng này”.

EMMASIA 2014 và Erasmus Mundus đã tạo tiền đề tốt cho mô hình ĐH Nghiên cứu tại VN

Được biết ĐH Đà Nẵng tham gia Dự án EMM ASIA từ 2010 và đã cử 3 cán bộ, 5 Nghiên cứu sinh và 4 học viên Cao học sang đào tạo tại châu Âu. Đối với EMMASIA 2014, trong 32 suất HB dành cho Việt Nam, thì chủ yếu cũng được dành cho ĐH Đà Nẵng.

ĐH Đà Nẵng đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực, thông qua các Chương trình hợp tác quốc tế chiều sâu.

Trả lời câu hỏi phỏng vấn của ictdanang: “EMM ASIA 2014 và Erasmus Mundus sẽ giúp gì cho ĐH Đà Nẵng trong lộ trình phấn đấu trở thành ĐH nghiên cứu?”, PGS.TS Võ Trung Hùng nhấn mạnh:

“Dự án sẽ góp phần nâng tầm ĐH Đà Nẵng trong hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng và chủ động hơn. Với việc tham gia EMM ASIA 2014 và Erasmus Mundus, ĐH Đà Nẵng đã có mặt trong mạng lưới 17 trường thuộc 13 quốc gia khác nhau. Điều này đã mang lại sự bình đẳng cuea ĐH Đà Nẵng với các đối tác và trong một tâm thế cũng chủ động hơn. Và một khi đã chủ động, chúng tôi càng mạnh dạn phát triển các hoạt động hợp tác quốc tế”.


Các Giáo sư, doanh nhân, chuyên gia Nhật trong dịp đến làm việc và cùng ĐH Đà Nẵng đồng chủ trì Hội thảo chia sẻ “Kinh nghiệm sản xuất của Nhật bản” đối với Việt Nam. Nhân dịp này hơn 30 SV Nhật cũng đã tham gia Đoàn và trong khuôn khổ thực hiện chương trình trao đổi SV giữa ĐH Đà Nẵng với các ĐH Nhật bản

Cũng xin nói thêm, một trong những mục tiêu của dự án rất phù hợp với định hướng phát triển của ĐH Đà Nẵng đó là “Tăng cường hợp tác ĐH + Doanh nghiệp; Phát triển hợp tác ĐH và Doanh nghiệp” với nội dung cụ thể là “Giới khoa học cùng tham gia vào các dự án của doanh nghiệp”. Như vậy, các cán bộ nghiên cứu, giảng viên của ĐH Đà Nẵng (ở khu vực châu Á) sẽ có dịp làm việc với các doanh nghiệp châu Âu, và chiều ngược lại, từ khuôn khổ dự án, các doanh nghiệp Đà Nẵng, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có dịp đón các CB nghiên cứu, GV đến từ ĐH Âu châu.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa nguồn HB – mà ở đây cụ thể là khuôn khổ dự án EMM ASIA 2014 và HB Erasmus Mundus – đã tạo điều kiện rất nhiều để SV, CB Giảng dạy ĐH Đà Nẵng được học tập, nghiên cứu ở nước ngoài qua các Chương trình trao đổi SV, CB Giảng dạy.

Việc các ĐH châu Âu công nhận tín chỉ khi trao đổi, chính là một yếu tố thúc đẩy, giữ vai trò động lực để ĐH Đà Nẵng từng bước phải nâng cao một cách rõ rệt chất lượng đào tạo; lẫn chiến lược phát triển đội ngũ. Và điều đặc biệt cuối cùng nữa, chúng tôi muốn nhấn mạnh: EMMASIA 2014 và Erasmus Mundus còn giúp ĐH Đà Nẵng đẩy mạnh hơn hoạt động Nghiên cứu khoa học, đặc biệt là phối hợp đề xuất các dự án nghiên cứu chung.
Như vậy, EMM ASIA 2014 và Erasmus Mundus đã tạo nên nhiều tiền đề quan trọng cho việc đưa ĐH Đà Nẵng trở thành một ĐH Nghiên cứu trong tương lai”.
Sau phiên họp chính thức khởi động Dự án EMM ASIA 2014, ĐH Đà Nẵng sẽ có thời gian sát hạch và chuẩn bị tốt nhất để vào tháng 4/2014, những CB giảng dạy, Nghiên cứu sinh và SV đầu tiên được thụ hưởng EMM ASIA 2014 sẽ sang châu Âu để nhận học bổng.

Trần Ngọc thực hiện
Theo ictdanang.vn
Đại học Đà Nẵng – www.udn.vn

latest articles

explore more