25 C
Turan
HomeTin tức - Sự kiệnTin Giáo dục - Đào tạoBất nhất học phí đào tạo tiến sĩ bằng ngân sách

Bất nhất học phí đào tạo tiến sĩ bằng ngân sách

Theo Đề án 911 “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 – 2020” thì người học sẽ được cấp học bổng và chi phí đào tạo. Tuy nhiên, mới đây, liên bộ GD-ĐT và Tài chính lại thông báo người học vẫn phải nộp học phí.

Nộp học phí trước khi đi học

Liên bộ Tài chính và GD-ĐT vừa ban hành thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 – 2020” (gọi tắt là Đề án 911). Theo đó, đối với đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, từ năm 2014, nghiên cứu sinh trúng tuyển trước khi được cử đi đào tạo có trách nhiệm đóng học phí (số tiền tương đương với mức học phí nếu học viên học trường trong nước) cho Bộ GD-ĐT một lần toàn bộ thời gian học tập ở nước ngoài.

Đối với chương trình toàn thời gian ở trong nước, căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu phát triển của ngành và phương thức đào tạo, trường được chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo. Nghiên cứu sinh của Đề án 911 đóng học phí cho cơ sở đào tạo theo định kỳ hằng tháng (tối đa không quá 10 tháng/năm).

Quy định không thống nhất ?

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Đề án 911 sau khi Đề án 322 (Đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước từ năm 2000 – 2010) kết thúc.

Đến năm 2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư quy định đào tạo trình độ tiến sĩ theo Đề án 911. Thông tư nêu rõ: Quyền của nghiên cứu sinh là được cấp học bổng và chi phí đào tạo trong thời gian khóa đào tạo. Năm 2013, Bộ thông báo tuyển sinh khóa đầu tiên đi học ở nước ngoài theo đề án này, người trúng tuyển được cấp học bổng bao gồm học phí và các loại phí bắt buộc liên quan đến chương trình học tập… Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo nước ngoài Bộ GD-ĐT, cho biết năm 2013 đã tuyển được gần 700 người theo đề án. Tính đến tháng 9 năm nay, số người ra nước ngoài học mới được 130, còn lại khoảng 500 người có thể đi vào năm 2014.

Tuy nhiên như đã đề cập ở trên, từ năm 2014, những người đi học theo đề án này ở nước ngoài lại phải nộp học phí. Lý giải về việc này, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Do nhà nước cấp kinh phí không đủ cho chi phí đào tạo nên Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT đã thống nhất thu học phí của người học”. Cũng theo bà Hà, mức học phí được thu như nhau đối với người học trong nước và ở nước ngoài để đảm bảo sự công bằng. Học phí của người đi học ở nước ngoài sẽ được Bộ GD-ĐT sử dụng một phần để trang trải các chi phí như: liên hệ với nước ngoài, làm thủ tục hồ sơ cho nghiên cứu sinh…

Khi được hỏi nếu thực hiện như vậy có phù hợp với các quy định đã ban hành hay không, bà Hà thừa nhận: “Việc này có hơi khập khiễng so với chính sách trước nhưng do khó khăn về kinh phí nên cần phải xã hội hóa”. Bà Hà cho biết thêm, hiện ngân sách nhà nước cấp chỉ đảm bảo được 1/4 kinh phí so với dự kiến trong đề án. Vì vậy Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc sửa một số nội dung mà thông tư đã ban hành. Ví dụ: thông tư cho phép người học trong nước được thực tập ở nước ngoài nhưng với kinh phí hiện nay thì chỉ có thể tuyển chọn 1/4 trong số đó để đưa đi thực tập. Diện được cấp học bổng cũng sẽ bị thu hẹp tương xứng với mức kinh phí mà nhà nước hỗ trợ.

Thế nhưng những người khóa tuyển sinh năm 2013 đã ra nước ngoài học, Bộ GD-ĐT thông báo được cấp học phí thì sẽ giải quyết như thế nào? Bà Hà thông tin: “Đối với khóa tuyển sinh đó sẽ khó thu học phí và họ cũng chưa biết chủ trương này nên có thể khi về sẽ tính”.

Cản trở việc tuyển sinh đi học tại nước ngoài

Một số chuyên gia giáo dục đánh giá chủ trương thu học phí của người học có thể sẽ làm cản trở việc tuyển sinh đi học nước ngoài vốn đã gặp rất nhiều khó khăn.

Một chuyên gia cho rằng học phí thu được từ người học cũng không đáng kể so với kinh phí mà nhà nước cấp để đào tạo một tiến sĩ ở nước ngoài (người học đóng thêm vài chục triệu đồng trong khi chi phí đào tạo khoảng hơn 1 tỉ đồng). Tuy nhiên điều này sẽ làm chủ trương của nhà nước mất ý nghĩa. Theo chuyên gia này, việc giao cho các trường tự xây dựng mức học phí cũng sẽ làm việc đào tạo tiến sĩ trong nước gặp khó khăn nếu người học phải đóng học phí cao.

Điều đáng nói là hiện nay người được đào tạo tiến sĩ trong nước (không thuộc Đề án 911) cũng vẫn được nhà nước cấp bù chi phí đào tạo. Như vậy nếu tham gia Đề án 911, ngoài việc được tham gia xét cấp học bổng thì người học không có quyền lợi gì thật sự khác biệt mà còn bị ràng buộc nhiều trách nhiệm như phải trở về phục vụ trường cử đi đào tạo; bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo nếu không hoàn thành chương trình… Vì vậy, sẽ khó có thể khuyến khích họ tham gia đề án.

Đề án 911 thực hiện từ năm 2010 đến 2020. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện là 14.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm khoảng 94%, các dự án nước ngoài và nguồn xã hội hóa là 5%, các nguồn kinh phí khác như học phí, đóng góp của các nhà trường chiếm 1%. Đề án đặt mục tiêu đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ tại các trường ĐH có uy tín trên thế giới; khoảng 3.000 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và nước ngoài; khoảng 10.000 tiến sĩ trong nước. Trong khi đó, Đề án 322 thực hiện từ 2000 – 2010 đã gửi đi đào tạo 7.129 người, trong đó có 3.838 tiến sĩ, 2.042 thạc sĩ, 416 thực tập sinh, 833 bậc đại học với tổng kinh phí hơn 2.500 tỉ đồng.

 Theo Thanh Niên Online

latest articles

explore more