Sáng ngày 26/12/2018, dưới dự chủ trì của GVC.TS. Huỳnh Phương Nam – Trưởng khoa, Khoa Xây dựng Cầu đường Trường Đại học Bách khoa đã tổ chức Hội thảo các bên liên quan về khung chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ sở Hạ tầng, nhằm lấy ý kiến để hoàn thiện khung CTĐT của Ngành.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Trưởng Phòng Đào tạo, Lãnh đạo các khoa thuộc nhóm ngành Xây dựng, Môi trường, Kiến trúc; các thầy cô là giảng viên các khoa Xây dựng; các thầy cô trong Tổ soạn thảo đề án cùng đại diện các Đơn vị tuyển dụng có hoạt động liên quan đến Kỹ thuật cơ sở hạ tầng tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.
GVC.TS Huỳnh Phương Nam – Trưởng khoa Khoa Xây dựng Cầu đường phát biểu khai mạc
Xuất phát từ thực tế trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, cùng với đó là sự gia tăng dân số đô thị, phương tiện giao thông, diện tích nhà ở, dịch vụ… Việc giải quyết các vấn đề do sự phát triển đô thị đang đặc biệt cấp bách không những ở nước ta mà còn hầu hết ở các nước trên thế giới. Chính vì vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng luôn có vai trò rất quan trọng. Nhiều dự án có quy mô lớn về Kỹ thuật Cơ sở Hạ tầng đã và đang được đầu tư xây dựng. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi cần phải có một lượng cán bộ kỹ thuật có trình độ cao và được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực Kỹ thuật Cơ sở Hạ tầng; từ đó có thể giải quyết những vấn đề mới và phức tạp trong các công tác khảo sát, thiết kế, thi công, quy hoạch phát triển và quản lý dự án thuộc lĩnh vực Kỹ thuật Cơ sở Hạ tầngtheo hướng phát triển thông minh, bền vững. Đó là lý do Trường Đại học Bách khoa giao nhiệm vụ Tổ biên soạn đề án tổ chức thực hiện đề án mở ngành mới Kỹ thuật Cơ sở hạ tầng, mã ngành 7580210.
Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị (ảnh minh họa)
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GVC.TS Huỳnh Phương Nam đã nêu rõ nhu cầu rất lớn của nhân lực ngành Kỹ thuật Cơ sở Hạ tầng trong khu vực thông qua kết quả khảo sát nhu cầu đào tạo của Tổ biên soạn. Đồng thời nhấn mạnh yêu cầu hiện nay là đẩy mạnh thu thập ý kiến của các bên liên quan trong việc xây dựng CTĐT, hướng tới thực hiện đồ án doanh nghiệp (PBL), đồng thời chú trọng tính kết nối đa ngành trong công việc của kỹ sư sau này. Từ tiêu chí chính đó, các thảo luận nên thẳng thắn, khách quan với mục đích giúp Tổ biên soạn xây dựng được CTĐT tốt nhất và phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế – kỹ thuật – xã hội của địa phương. Thư ký tổ soạn thảo cũng đã trình bày vắn tắt quá trình thực hiện cũng như một số kết quả ban đầu của đề án và khung cơ sở của Chương trình đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Trưởng Phòng Đào tạo phát biểu
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn trao đổi, góp ý kiến về nội dung khung CTĐT của Ngành và các thành viên tổ soạn thảo cũng đã giải trình cũng như tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bên liên quan về những nội dung trong khung CTĐT của Ngành.
Đại diện lãnh đạo các Khoa Xây dựng Thủy lợi- Thủy điện, Khoa Xây dựng DD&CN, Khoa Môi trường tham gia ý kiến thảo luận
Đại diện lãnh đạo các Doanh nghiệp tham gia ý kiến thảo luận tại Hội thảo
Hội thảo đã chỉ ra một số thành công trong giai đoạn đầu của việc xây dựng đề án và các điểm cần điều chỉnh, cải thiện trong các bước thực hiện tiếp theo của đề án. Theo kế hoạch, đề án sẽ tiếp tục tổ chức một số hội thảo, cuộc họp khác trong thời gian tới. Nếu được phê duyệt, Trường Đại học Bách khoa sẽ tiến hành tuyển sinh và đào tạo khóa đầu tiên trong năm 2019.
Tin, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN