26 C
Turan
HomeTin tức - Sự kiệnBản tin nội bộ4 chương trình đào tạo Đại học Bách khoa Đà Nẵng đạt...

4 chương trình đào tạo Đại học Bách khoa Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn chất lượng của AUN

“Hôm nay là một ngày tuyệt vời cho tất cả cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên Nhà trường khi cả 4 Chương trình đào tạo Công nghệ Thông tin; Kỹ thuật Điện-Điện tử; Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông và Kỹ thuật Dầu khí vinh dự được chứng nhận đạt chuẩn (Quality Assurance – QA) từ Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường Đại học khu vực ASEAN (Asean University Network – AUN-)” – Phó GS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ.

Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, cho ICTDanang biết: Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) vinh dự là Khoa Công nghệ thông tin đầu tiên của các Trường Đại học khu vực miền Trung, đón nhận chứng nhận đạt chuẩn QA – AUN.

Đào tạo các ngành 4.0 đang từng bước hội nhập với định chuẩn quốc tế

Sáng nay (8/10), Trường Đại học Bách khoa đã tổ chức đón nhận Chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA và Khánh thành Văn phòng tài nguyên đảm bảo chất lượng giáo dục.

“Đây là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của nhà trường, từng bước hội nhập với các chuẩn quốc tế trong xây dựng, phát triển, đảm bảo và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, khẳng định với cộng đồng xã hội trong nước và khu vực Đông Nam Á về những cam kết không ngừng nâng cao chất lượng trên mọi mặt” – Phó GS.TS Đoàn Quang Vinh nhấn mạnh.

Được biết, trong năm học 2016 – 2017, trường Đại học Bách khoa đã được Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà NộI, tổ chức đánh giá ngoài và được công nhận đạt “Chất lượng Giáo dục Quốc gia giai đoạn 2016 – 2021” theo các tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Cũng trong năm 2017, Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục Đại học Pháp (gọi tắt là HCERES) đã kiểm định chất lượng Trường và công nhận Đại học Bách khoa đạt chuẩn kiểm định chất lượng HCERES giai đoạn từ tháng 6/2017 – tháng 6/2022. Như vậy giá trị công nhận đã đạt ở mức cao nhất với thời hạn 5 năm.

Kết quả kiểm định chất lượng này là vô cùng quan trọng, vì HCERES là thành viên của Hiệp hội đảm bảo chất lượng châu Âu trong giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng có 3 Chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao PFIEV chuyên ngành Sản xuất Tự động, Tin học Công nghiệp, Công nghệ Phần mềm được Tổ chức Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp (CTI) đánh giá tái công nhận lần thứ 3 đạt Chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn CTI giai đoạn 2017-2023.

Ngoài ra, Đại học Bách khoa đã có 2 chương trình đào tạo là Chương trình Tiên tiến Việt-Mỹ ngành Điện tử – Viễn thông và ngành Hệ thống nhúng được AUN đánh giá ngoài và công nhận “Đạt chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn đánh giá AUN-QA giai đoạn 2016-2020”. Đặc biệt, là kết quả đánh giá chất lượng (với tổng số điểm) được ghi nhận cao nhất Việt Nam từ trước đến nay.

Ban Chủ nhiệm Khoa Điện tử – Viễn thông đón nhận Chứng nhận QA-AUN.

Trở thành Đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á với nhiều ngành mũi nhọn trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ

Lãnh đạo Đại học Bách khoa khẳng định rằng, kết quả này vừa là vinh dự to lớn, là niềm tự hào và động lực đối với tập thể đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện sứ mạng và tầm nhìn theo chiến lược phát triển chung của cả nước và khu vực.

Trong đó, mục tiêu được Nhà trường theo đuổi là hướng tới là một trong những trường đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á với nhiều ngành mũi nhọn trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.

“Chúng tôi kiên định với các chương trình, giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường đã và đang tiếp tục nghiên cứu thực hiện các khuyến nghị mà các tổ chức kiểm định quốc tế, trong nước gửi gắm, đề đạt với chúng tôi.

Đại học Bách khoa luôn đặt chất lượng lên hàng đầu trong mọi hoạt động

Chúng tôi hết sức coi trọng công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA của Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường Đại học khu vực ASEAN.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều cán bộ quản lý và giảng viên chúng tôi đã được cử tham gia nhiều khóa đào tạo trong nước và quốc tế, thông qua nhiều chương trình và dự án khác nhau.

Đó là quá trình học hỏi, tiếp thu phương pháp giảng dạy sáng tạo, thiết kế chương trình giảng dạy dựa trên kết quả học tập, đảm bảo chất lượng ở cấp độ chương trình và cơ sở theo tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn quốc tế.

Trường cũng đã thành lập Hội đồng đảm bảo chất lượng giáo dục ở cấp trường, và ở cấp độ giảng viên / chương trình, đã xây dựng và phát triển các hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ, quy trình xây dựng và biểu mẫu khảo sát cho các bên liên quan” – Phó GS.TS Đoàn Quang Vinh cho biết.

Khánh thành Văn phòng Tài nguyên đảm bảo chất lượng giáo dục NQS4I (Network of QA Sharing 4 Improvement).
Cũng trong sáng nay, Đại học Bách khoa đã khánh thành Văn phòng Tài nguyên đảm bảo chất lượng giáo dục NQS4I (Network of QA Sharing 4 Improvement).

Văn phòng NQS4I là Mạng lưới tình nguyện được tổ chức và hỗ trợ bởi Trường Đại học bách khoa và là thành viên mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường Đại học khối ASEAN.

Mục tiêu của NQS4I là đảm bảo chất lượng để “Chia sẻ – Học tập – Hợp tác – và Cải tiến”. Sứ mệnh của Văn phòng NQS4I gồm: Hỗ trợ nguồn lực đảm bảo chất lượng cho các cơ sở giáo dục đại học ; Chia sẻ tài nguyên đảm bảo chất lượng trong Việt Nam và khối ASEAN; phục vụ cộng đồng các trường đại học Việt nam và Mạng lưới các trường đại học ASEAN về lĩnh vực đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng.

Văn phòng NQS4I tham gia các hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng dựa trên nguyên tắc và quy định đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của quốc gia, ASEAN và quốc tế.

Phó GS.TS Ngô Văn Dưỡng –Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhìn nhận:
Văn phòng NQS4I có thể xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm xây dựng hoạt động đảm bào chất lượng giáo dục của Nhà trường lên tầm chuyên nghiệp hơn, góp phần thúc đẩy, giao lưu văn hóa chất lượng giữa các trường Đại học trong khu vực Đông Nam Á. Qua đó, nâng tầm ảnh hưởng của học hiệu trong cộng đồng xã hội.

Từ mô hình hoạt động này, Đại học Đà Nẵng chúng tôi kỳ vọng sẽ nhân rộng đến các cơ sở giáo dục thành viên khác trong toàn Đại học Đà nẵngHĐN, góp phần lan tỏa tính chuyên nghiệp đồng bộ, tạo nên hiệu quả mới trong hoạt động đảm bào chất lượng giáo dục.

Đẩy mạnh mô hình Học qua Dự án – Project Based Learning: Người học đề xuất hướng giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống, kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu

Sau nhiều năm vận hành thử nghiệm, từ năm học 2018 – 2019 các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình PFIEV của trường Đại học Bách Khoa sẽ được triển khai theo mô hình Học qua Dự án – Project Based Learning.

Trong mỗi học kỳ, các sinh viên sẽ được học lý thuyết cơ bản nhất trong các môn học với thời lượng giảm nhiều so với trước đây.

Sau đó sinh viên sẽ được giao các dự án hoặc các bài tập lớn liên môn. Để thực hiện các nội dung này, sinh viên sẽ phải tự đọc thêm, học thêm các kiến thức chuyên sâu và kiến thức liên quan của các môn học trong học kỳ dưới sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên và trợ giảng của Nhà trường.

Các dự án thực tế được giảng viên và sinh viên xây dựng, hoặc phối hợp với doanh nghiệp, hoặc có thể do chính các sinh viên đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống, kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu.

Cuối học kỳ sinh viên sẽ phải báo cáo kết quả dự án và được Nhà trường kiểm tra, đánh giá theo chuẩn đầu ra đã được xây dựng cho từng dự án mà sinh viên đã thực hiện.

Ban Chủ nhiệm Khoa Điện đón nhận Chứng nhận QA-AUN.

Với sự thay đổi mang tính cách mạng này, sinh viên ra trường sẽ có được kiến thức, kỹ năng, thái độ thích ứng nhanh chóng với các nhu cầu thay đổi ngày càng nhanh và hiện đại của xã hội, giúp cho sinh viên nâng cao khả năng có việc làm cũng như khả năng khởi nghiệp của mình.

Ban Chủ nhiệm Khoa Dầu khí đón nhận Chứng nhận QA-AUN.

Theo Phó GS.TS Ngô Văn Dưỡng –Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, tính đến tháng 9/2018, Đại học Đà Nẵng đã có 9 chương trình được kiểm định quốc tế, tất cả trường đại học thành viên đều đã được kiểm định chất lượng cấp quốc gia.

Hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục gắn liền với kiểm định chất lượng nói riêng của Đại học Đà Nẵng đã và đang ngày càng đạt được nhiều kết quả to lớn, góp phần khẳng định và nâng tầm ảnh hưởng, uy tín và học hiệu trong giai đoạn mới. Hiện Đại học Đà Nẵng xếp hạng thứ 6 tại Việt Nam (Webometrics); xếp thứ 417 trong khu vực Châu Á (QS Asia) và xếp thứ 2 tại Việt Nam (theo tổ chức 4CIU).

Trong Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2035, Đại học Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 60% các chương trình đào tạo được kiểm định, trong đó số chương trình được các tổ chức kiểm địnhquốc tế đánh giá và công nhận là 66. Mục tiêu này ở năm 2035 lần lượt là 100% và 116 chương trình. Cùng với mục tiêu đề ra, Đại học Đà Nẵng đã cùng Hội đồng và Ban Giám hiệu các trường xây dựng lộ trình, kèm theo đó là giải pháp triển khai thực hiện một cách đồng bộ, chặt chẽ.

Theo ICT DANANG

latest articles

explore more