21 C
Turan
HomeKhoa học Công nghệĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cùng ĐH Quốc gia Yokohama (Nhật...

ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cùng ĐH Quốc gia Yokohama (Nhật bản) đề xuất các mô hình quy hoạch và phát triển giao thông đô thị bền vững

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học (ĐH) Đà Nẵng và ĐH Quốc gia Yokohama (YNU-Nhật Bản), hôm nay (3/11), tại ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã diễn ra Hội thảo khoa học “Phát triển giao thông đô thị bền vững – Development of Sustainable Urban Transport System” do khoa Xây dựng cầu đường (ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng) phối hợp với ĐH quốc gia Yokohama tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo (ảnh trên) ; (ảnh tiếp theo) Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải-Trưởng Khoa Xây dựng cầu đường (ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng) điều hành các phiên làm việc.
-Ảnh:TN

“Đây là cơ hội tốt để các nhà kỹ thuật, quản lý, giới chuyên môn; các nhà khoa học; các giảng viên, học viên và sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông trao đổi kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu. Các ý kiến gợi ý, đề xuất, các tham luận khoa học mang tính hiến kế, gợi mở sẽ giúp ích rất nhiều cho việc quy hoạch và phát triển giao thông đô thị theo hướng bền vững.

Đặc biệt, những kinh nghiệm, những phản biện do các chuyên gia cấp cao từ ĐH Quốc gia Yokohama (Nhật Bản) hay ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tổng kết, kiesn nghị có thể lựa chọn, xem xét để tư vấn, giới thiệu với cơ quan quản lý nhà nước TP Đà Nẵng từng bước áp dụng vào thực tiễn. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, trước yêu cầu của phát triển, TP Đà Nẵng cũng như các TP lớn của cả nước đang phải đối mặt với nhiều vấn đề từ quy hoạch và phát triển giao thông. Có thể kể đến tình trạng kẹt xe, tiềm ẩn nguy cơ cao về rủi ro, tai nạn, ô nhiễm môi trường cũng như tiêu thụ lớn nhiên liệu hoá thạch …” – Phó GS.TS Trương Hoài Chính- Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng nhìn nhận.

Phó GS.TS Trương Hoài Chính- Phó Hiệu trưởng ĐH bách khoa-ĐH Đà Nẵng trao đổi thông tin với các chuyên gia ĐH Quốc gia Yokohama (Nhật Bản).
-Ảnh: TN

Hội thảo khoa học “Phát triển giao thông đô thị bền vững” được tổ chức lần này cũng dánh dấu sự có mặt của ĐH Quốc gia Yokohama (Nhật Bản) trong khuôn khổ quan hệ hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với ĐH Bách khoa nói riêng, ĐH Đà Nẵng nói chung.

Hội thảo đã nghe và chia sẻ quan điểm với các tham luận:

  • Giao thông đô thị và hệ thống tổ chức giao thông xe buýt đô thị (Giáo sư Fumihiko Nakamura, Phó Giám đốc YNU).
  • Giới thiệu dự án giao thông xe buýt nhanh (BRT) TP Đà Nẵng (Tác giả Mai Đình Khanh, Ban Quản lý các Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng).
  • Tổ chức quản lý bãi đỗ xe trong đô thị (Phó GS. TS Shinji Tanaka, YNU).
  • Giao thông bộ hành trên các tuyến phố chính (Phó GS. TS Shino Miura, YNU).
  • Tổ chức và điều khiển giao thông trong các đô thị Việt Nam theo hướng phát triển xanh và bền vững (Tác giả Trần Thị Phương Anh, Giảng viên khoa Xây dựng Cầu đường).
  • Hệ thống đếm xe tự động -BK-ACVS- tác giả Lê Đình Việt, ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng).

Ảnh trên: Giáo sư Fumihiko Nakamura, Phó Giám đốc YNU trình bày tham luận của mình. Ông là chuyên gia cao cấp của Nhật Bản về quy hoạch giao thông. Nhiều công trình, quy hoạch giao thông tại các TP lớn Thái Lan và Brazil đã được ông thiết kế và phát huy hiệu quả, chứng minh được tính mẫu mực của giao thông hiện đại, cải thiện chất lượng sống cho cư dân đô thị.
-Ảnh: TN

Được biết, quan hệ hợp tác giữa ĐH Bách khoa nói riêng, ĐH Đà Nẵng nói chung với ĐH quốc gia Yokohama khởi đầu từ 2006 và người có công mở đường, đặt nền móng đàu tiên, và vun xới, bồi đắp cho quan hệ này là GS.TS Trần Văn Nam (trong cương vị là Hiệu trưởng ĐH Bách khoa, sau đó là Giám đốc ĐH Đà Nẵng).

Từ 2016 đến nay, giữa ĐH quốc gia Yokohama với ĐH Bách khoa nói riêng, ĐH Đà Nẵng nói chung đã có quan hệ trao đổi, hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực Cơ khí, Kiến trúc, Xây dựng…

Các bên đã phối hợp đồng tổ chức 10 phiên hội thảo quốc tế chuyên đề; giảng viên và SV 2 trường đã hơn 60 lượt giao lưu, trao đổi; có 4 Nghiên cứu sinh ĐH Đà Nẵng được cử sang học tập và nghiên cứu tại ĐH quốc gia Yokohama.

Tháng 6/2011, ĐH quốc gia Yokohama chính thức thành lập và đặt Trung tâm Quản lý rủi ro & khoa học an toàn tại ĐH Đà Nẵng; đến tháng 6/2014, ĐH quốc gia Yokohama đã mở tiếp Văn phòng đại diện đầu tiên tại Việt Nam đặt tại ĐH Đà Nẵng.

Với nhiều hoạt động song phương, quan hệ hợp tác hữu nghị trong hoạt động nghiên cứu và giáo dục giữa ĐH quốc gia Yokohama với ĐH Bách khoa nói riêng, ĐH Đà Nẵng nói chung đã được nâng cao từng bước; không ngừng thúc đẩy khả năng giao lưu học thuật quốc tế và quảng bá các bên trên môi trường học thuật và ứng dụng quốc tế…

Hội thảo khoa học “Phát triển giao thông đô thị bền vững – Development of Sustainable Urban Transport System” do khoa Xây dựng cầu đường (ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng) phối hợp với ĐH quốc gia Yokohama tổ chức ngày 3/11/2015.
-Ảnh: TN

Trước đó, Khoa Xây dựng cầu đường (ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng) đã cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng và Viện Kỹ thuật xây dựng hạ tầng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Một số giải pháp công nghệ mới trong xây dựng hạ tầng giao thông”.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đi đến thống nhất chung với đánh giá:

Đối với TP Đà Nẵng, việc phát triển đô thị chủ yếu trong khu vực đồng bằng ven biển, thấp và bị nhiễm mặn; điều kiện khí hậu trong khu vực lại là vùng nhiệt đới gió mùa điển hình, độ ẩm trung bình cao, cường độ bức xạ mặt trời lớn… là những yếu tố làm giảm tuổi thọ của các công trình xây dựng trong khu vực, đặc biệt các công trình hạ tầng đô thị, hệ thống giao thông.

Trong đó, đáng quan tâm là những cây cầu được thiết kế và thi công theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau dẫn đến tình trạng xuống cấp nhanh chóng, khả năng phục vụ của cầu suy giảm… Việc tìm ra các giải pháp tối ưu về công nghệ, kỹ thuật, công nghệ quản lý, giúp tăng tuổi thọ, hạ giá thành là điều hết sức cần thiết.

Giới chuyên môn và nghiên cứu cũng đã chia sẻ các mô hình ứng dụng : Bê-tông tính năng cao trong xây dựng hạ tầng đô thị; Nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn ứng suất cực đại và Tsai-Hill tính toán gia cường cột, trụ bê-tông cốt thép bằng vật liệu composite; Mô hình vận động ứng suất-biến dạng và triển vọng sử dụng vật liệu cho tường chắn đất có cốt…

Theo ICD Đà Nẵng

latest articles

explore more