Nhu cầu tuyển dụng nhân sự đối với ngành nghề quản lý và phát triển đô thị hiện nay đang “nóng” và “cấp thiết”, nhất là trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đang ngày càng nhanh chóng.
Đây là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Thực trạng quản lý đô thị và Nhu cầu nguồn nhân lực liên ngành trong quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam” ngày 22/12 tại Hà Nội.
Hội thảo do Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức dưới sự tài trợ của Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu châu Á. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp, đơn vị quản lý đô thị…
Quy hoạch đô thị còn bất cập
Theo TS. Trương Văn Quảng – Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đang ngày càng nhanh chóng. Nhiều đô thị, điểm dân cư nông thôn, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, kết cấu hạ tầng… đã được qui hoạch, đầu tư xây dựng mới, hoặc cải tạo mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển mới của đất nước. Năm 1998, tỉ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 24%, năm 2013 khoảng 32%…và đến năm 2015 đã đạt 35,7%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đô thị Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, số lượng đô thị tăng nhanh nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống hạ tầng kĩ thuật và xã hội còn thiếu, không đồng bộ và quá tải. Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các đô thị vẫn còn thấp như hệ thống giao thông đô thị chậm phát triển, thiếu đồng bộ; hệ thống cấp nước sạch và thoát nước của nhiều đô thị đã xuống cấp và lạc hậu, tình trạng ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do rác thải, nước thải chưa được xử lí. Đặc biệt, quá trình xây dựng, phát triển đô thị còn sử dụng lãng phí tài nguyên đất đai, môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng và phát thải lớn, gây mất cân bằng sinh thái…
Bên cạnh đó, đô thị Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những vấn đề toàn cầu như cạnh tranh đô thị, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Đây là những thách thức lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo đô thị, điều kiện môi trường sống của người dân và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác qui hoạch, xây dựng, quản lí phát triển đô thị hiện nay.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục Viện trưởng Viện nghiên cứu Định cư (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ đô thị hoá khá nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ chưa đầy một thập kỷ nữa, 40% dân số cả nước sẽ sống trong đô thị. Việt Nam bắt buộc phải phát triển một hệ thống các thành phố và đô thị có khả năng cạnh tranh và linh hoạt trong chống chịu và phục hồi các không gian kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị.
Thiếu hụt nhân lực
Song song với việc đưa ra khái niệm “quản lý sự phát triển của đô thị”, các chuyên gia đưa ra nhận định, Việt Nam cũng đang thiếu hụt một đội ngũ nhân lực chất lượng cao làm công tác quản lý phát triển đô thị.
Theo kết quả khảo sát của Khoa Các khoa học liên ngành, 88% ý kiến từ những nhà tuyển dụng (các viện nghiên cứu, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội và Sở xây dựng các tỉnh, các công ty thuộc lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch…) cho rằng nhu cầu tuyển dụng nhân sự đối với ngành nghề quản lý và phát triển đô thị hiện nay đang “cấp thiết”. Đặc biệt, có đến gần 2/3 các cơ quan này có kế hoạch tuyển dụng nhân sự hoặc đưa cán bộ đi học chương trình thạc sĩ ngành quản lý phát triển đô thị trong 5 năm tới.
GS. Nguyễn Tố Lăng – Phó Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội cho hay, nhu cầu nhân lực ngành quản lý đô thị càng “nóng” hơn khi Chính phủ đang thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý đô thị cho tất cả các cán bộ công chức liên quan từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến công chức địa chính, nông nghiệp, xây dựng, môi trường xã thuộc thành phố, thị xã trong toàn quốc.
“Dự báo đến năm 2025 sẽ có 1.000 đô thị với mức độ đô thị hóa 50%. Để có được các đô thị phát triển mạnh mẽ và bền vững, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng bậc nhất, nhất là về ngành quản lý đô thị”, GS. Nguyễn Tố Lăng nhận định.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung thảo luận một số chủ đề trọng tâm: Phát triển công trình xanh tại các đô thị – Thực trạng và giải pháp phát triển; Để TP. Hồ Chí Minh phát triển đô thị nhanh, toàn diện, vững chắc – hướng tới mục tiêu thành phố sống tốt; Đào tạo nguồn nhân lực quản lý phát triển đô thị: Thực trạng và nhu cầu; Các xu thế phát triển mới tại đô thị Việt Nam, tác động của chúng lên thị trường nhà ở – bất động sản…
Theo Báo QT