Nghị quyết cũng đề cập: Đến năm 2030, quy mô dân số Đà Nẵng đạt khoảng 1,5 triệu người, và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%.
Mới đây, ngày 15/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á”.
Đà Nẵng sẽ có vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đối mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, {trung tâm} khoa học – công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế…
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó GS.TS Nguyễn Hồng Hải – Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.
Thưa Phó GS.TS Nguyễn Hồng Hải, những mũi nhọn đột phá phát triển nêu trên, đều đặt ra yêu cầu rất lớn về nguồn nhân lực cho những năm trước mắt, cũng như tầm nhìn lâu dài. Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng chúng ta với trọng trách cung ứng nguồn nhân lực sẽ bảo đảm thực hiện trọn vẹn sứ mệnh như thế nào ?
Phó GS.TS Nguyễn Hồng Hải:
Nhà trường đã thực hiện rà soát, xây dựng lại kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035 dựa trên Nghị quyết số 43 của Bộ Chính Trị về phát triển thành phố và Kế hoạch chiển lược phát triển của Đại học Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu “Xây dựng Trường Đại học Bách khoa trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, có năng lực cạnh tranh trên thị trường nhân lực quốc gia và quốc tế; là trung tâm uy tín trong nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp của quốc gia và quốc tế”.
Để thực hiện mục tiêu, trong thời gian tới Nhà trường sẽ tập trung:
– Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học; nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu các bên liên quan, khung trình độ quốc gia và tiệm cận với chất lượng quốc tế;
– Mở mới các ngành/chuyên ngành đào tạo phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chuyển đổi số; Nâng cao chất lượng và số lượng nghiên cứu khoa học cơ bản, công nghệ nguồn, chuyển giao và các sản phẩm ứng dụng;
– Phát triển năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên và nhân viên để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng và quản trị đại học tiên tiến;
– Xây dựng môi trường học tập, làm việc, nghiên cứu, sáng tạo theo mô hình hệ sinh thái giáo dục nhằm đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển nhà trường;- Nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thông qua các hoạt động chuyên môn và xã hội.
T.Ngọc thực hiện
Theo DSA